Bắt đầu từ quý II/2020, dịch bệnh Covid-19 đã tác động mạnh tới nền kinh tế Việt Nam. Quý II cũng là thời điểm nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán thực sự ngấm đòn.
Kết quả kinh doanh ảm đạm
Đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đối với sức khoẻ nhiều doanh nghiệp, ngay cả những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính vững mạnh. Mùa công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2020 cho thấy, không ít doanh nghiệp lần đầu phải báo lỗ sau nhiều năm làm ăn khấm khá.
Công ty CP Thủy sản Mê Kông (AAM) sau nhiều năm báo lãi liên tục cũng không chống đỡ được tác động tiêu cực đến từ dịch Covid-19. Báo cáo tài chính quý II/2020, AAM ghi nhận doanh thu thuần gần 24 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, doanh thu xuất khẩu quý II/2020 giảm gần 1 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. AAM báo lỗ gần 600 triệu đồng. Kết thúc nửa đầu năm, lãi ròng của doanh nghiệp này chỉ bằng 1% so với con số cùng kỳ, ghi nhận ở mức 71 triệu đồng.
Tương tự, sau 8 năm kinh doanh thành công, Công ty CP Phân phối khí thấp áp dầu khí Việt Nam (PV GAS D) báo lỗ trong quý II vừa qua. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và sự sụt giảm giá dầu, sản lượng khí quý II/2020 của PV GAS D giảm hơn 1 triệu MMBTU, tương đương 12%. Doanh thu giảm 17% so cùng kỳ năm trước, ghi nhận 1,708 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, PV GAS D lỗ ròng gần 3,4 tỷ đồng trong quý II/2020 trong khi cùng kỳ lãi ròng hơn 72 tỷ đồng.
Đại hội đồng cổ đông thường niên Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) cũng đặt kế hoạch lỗ 115 tỷ đồng cho năm 2020. Đây cũng là lần đầu tiên Công ty đặt kế hoạch thua lỗ. Quý I, Vinasun ghi nhận lỗ 17 tỷ đồng do toàn bộ hoạt động kinh doanh bị tê liệt. Riêng trong tháng 4, Công ty ghi nhận lỗ 50 tỷ đồng. Trong quý II, Vinasun ước lỗ 116 tỷ đồng, đại diện Công ty cho biết.
Khó khăn mới chỉ bắt đầu
Khó khăn ở những doanh nghiệp trên khiến nhà đầu tư không thể không lo ngại bởi sẽ còn đeo đẳng trong thời gian tới, ít nhất là trong quý III, quý IV sắp tới.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, những con số về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp có thể còn chưa phản ánh hết mức độ nghiêm trọng của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19. Lý do vì tác động của đại dịch mới chỉ diễn ra từ quý II, trong quý I vẫn còn tương đối tích cực. “3 tháng vừa rồi chưa đủ để cảm nhận thấy hết những khó khăn của đại dịch Covid-19”, ông Dương đánh giá.
Đối với lĩnh vực dầu khí, hoạt động sản xuất kinh doanh được dự báo sẽ còn tiêu cực trong quý 3 do giá dầu còn khá thấp và tốc độ phục hồi chậm, các dự án khai thác dầu khí mới chưa được triển khai. Để ứng phó với tình hình khó khăn, ông Trần Trung Chính, Chủ tịch HĐQT PV GAS D cho biết, giải pháp trong năm 2020 là công tác tái cấu trúc sắp xếp nguồn nhân lực phù hợp trong giai đoạn phát triển mới, trẻ hoá nhân sự, tiếp tục nghiên cứu xây dựng các dự án phân phối khí trong các khu công nghiệp và dân cư, nghiên cứu mở rộng thị trường…
Rõ ràng, những khó khăn, thách thức buộc doanh nghiệp phải tái cơ cấu, nghĩ ra những đường hướng mới, có tính bước ngoặt. Tuy nhiên, đường hướng hoạt động mới có giúp doanh nghiệp thoát ra khỏi thua lỗ hay không còn phải chờ thời gian trả lời.
Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhìn nhận, việc mở cửa giao thương trở lại giữa các quốc gia sẽ cần thêm thời gian khi những lo ngại về khả năng tái bùng phát dịch bệnh vẫn còn hiện hữu. Việc phục hồi trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có thể không được như kỳ vọng. Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tiếp tục diễn biến tiêu cực trong quý II khi giai đoạn này bao gồm tháng 4 cách ly xã hội sẽ phản ánh mạnh nhất tác động tiêu cực của Covid-19.
Tuy nhiên, KBSV cũng có góc nhìn lạc quan hơn với đánh giá: “Kết quả kinh doanh các doanh nghiệp có thể dần phát đi tín hiệu phục hồi trở lại trong 2 quý cuối năm, khi mà các lĩnh vực kinh tế chủ chốt dần khôi phục trạng thái hoạt động bình thường ngoại trừ 1 số lĩnh vực vẫn còn chịu tác động bởi dịch Covid-19 trên thế giới”.
Nguồn: baodauthau.vn